Giấy vay tiền không ghi thời hạn trả nợ – Ai có lợi?
Giao dịch vay tài sản là một loại giao dịch dân sự diễn ra rất phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay, giúp các cá nhân, tổ chức giải quyết được nhu cầu tài chính cấp thiết của mình. Cùng với việc các giao dịch vay tài sản ngày càng diễn ra sôi động, giá trị hợp đồng vay ngày càng lớn thì các tranh chấp cũng có chiều hướng tăng lên, phổ biến như tranh chấp về lãi suất, phương thức thanh toán, thời hạn trả nợ,… Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ phân tích những vấn đề pháp lý xoay quanh việc Giấy vay tiền không ghi thời hạn trả nợ – Ai có lợi?
Đối với giao dịch vay tiền, pháp luật cho phép các bên giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng hành vi cụ thể. Thông thường giao dịch vay tiền giữa các cá nhân được thể hiện dưới hình thức Giấy vay tiền/Giấy nhận nợ do các bên tự lập và ký với nhau. Rất nhiều trong số đó các bên không ghi nhận thời hạn trả nợ. Đến khi phát sinh tranh chấp bên cho vay thì nghĩ rằng vì không ghi nhận thời hạn trả nợ nên muốn đòi lại lúc nào cũng được, còn bên vay lại cho rằng vì không ghi nhận thời hạn trả nợ nên muốn trả lúc nào thì trả. Vậy ai đúng ai sai?
Hình mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Thời hạn trả nợ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nghĩa vụ của các bên, tính lãi suất và chế tài,… Trường hợp trong Giấy vay tiền có thỏa thuận thời hạn trả nợ thì bên vay phải trả đủ tiền khi đến hạn, bên cho vay không được đòi lại tiền trước thời hạn ghi trong hợp đồng trừ trường hợp được bên vay đồng ý. Tuy nhiên khi Giấy vay tiền có thỏa thuận lãi suất thì bên vay được quyền trả lại tiền trước kỳ hạn nhưng vẫn phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Ngược lại khi Giấy vay tiền không ghi nhận thời hạn trả nợ (còn được hiểu là Hợp đồng vay không kỳ hạn) thì tại thời điểm ký kết và thực hiện hợp đồng các bên trong giao dịch đều không xác định được thời điểm nào bên vay sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, có thể là 1 tháng, 3 tháng, 1 năm hay 3 năm,… Do đó tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bên cho vay hay bên vay có lợi hơn.
Căn cứ Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đối với Giấy vay tiền không ghi thời hạn trả nợ thì bên cho vay có quyền đòi lại tiền và bên vay cũng có quyền trả nợ bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy trong trường hợp trên, cả bên cho vay cũng như bên vay đều có quyền chủ động được đòi lại tiền và trả nợ bất kỳ thời điểm nào mà không cần phụ thuộc vào hợp đồng. Trường hợp vay có lãi suất thì các bên chỉ được tính lãi suất đến thời điểm thực tế trả nợ, như vậy nhiều trường hợp bên vay sau một thời gian ngắn vay tiền đã trả được nợ nên chỉ phải chịu lãi suất trong thời gian ngắn, giảm được gánh nặng về tiền lãi. Tuy nhiên trên thực tế không ít trường hợp giao dịch vay tiền chỉ mới diễn ra trong thời gian ngắn như 1 tháng, 2 tháng,… nhưng bên cho vay đã đòi nợ khiến cho bên vay không kịp chuẩn bị đủ tiền trả nợ dẫn đến phát sinh tranh chấp. Nếu đặt lên bàn cân để so sánh thì có thể thấy bên cho vay có lợi hơn khi mà bên vay phải phụ thuộc vào ý chí của bên cho vay và luôn trong tình trạng bị động hơn. Do đó mà bên đi vay nên cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc có thỏa thuận thời hạn trả nợ hay không để hạn chế rủi ro cho mình.
Cần lưu ý quyền chủ động của các bên phải trong khuôn khổ của pháp luật, cụ thể là các bên phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, điều này giúp đảm bảo sự ổn định và hài hòa trong quan hệ xã hội. Việc báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý giúp các bên có điều kiện chuẩn bị và chủ động hơn trong việc trả nợ, nhận tiền. Tuy nhiên pháp luật hiện nay chưa có quy định giải thích rõ thế nào là thời gian báo trước hợp lý, trên thực tế cũng đã có nhiều tranh chấp khi các bên có quan điểm khác nhau về thời gian báo trước hợp lý. Tùy thuộc vào giá trị hợp đồng, mục đích của việc vay tiền, khả năng tài chính của các bên mà thời gian báo trước hợp lý là khác nhau, ví dụ như vay 500.000.000 đồng với vay 2 tỷ đồng thì thời gian báo trước không thể giống nhau được. Chính vì quy định pháp luật chưa rõ ràng nên thực tiễn xét xử các Tòa án cũng có quan điểm khác nhau khi xác định thời gian báo trước hợp lý.
Để tránh những rủi ro không đáng có, tranh chấp dẫn đến tình cảm rạn nứt, các bên nên thiện chí trong các giao dịch vay tài sản, bên cho vay cần tạo điều kiện, khi đòi lại tiền cần báo trước một khoảng thời gian hợp lý đảm bảo bên vay có thời gian chuẩn bị và khả năng tài chính để trả nợ, đồng thời bên vay cũng cần có thiện chí trả đúng thời hạn và có trách nhiệm với số tiền nợ của mình. Cách tốt nhất là các bên khi ký kết giao dịch vay tiền không kỳ hạn thì nên thỏa thuận luôn thời gian báo trước hợp lý vào Giấy vay tiền để tránh mâu thuẫn, kiện tụng về sau.