Cho vay tiền giao kết bằng miệng có đòi lại được không

Cho vay tiền giao kết bằng miệng có đòi lại được không?

Một độc giả đã gửi câu hỏi cho helloluatsu với nội dung như sau:

Do có mối quan hệ quen biết và tin tưởng nên tôi đã cho người quen vay số tiền lớn để đầu tư, kinh doanh, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên việc vay và đưa tiền chỉ nói bằng miệng, không tính lãi suất và không có lập giấy tờ. Đến hạn thỏa thuận trả nợ người vay lại đưa ra nhiều lý do để trì hoãn hết lần này đến lần khác, khi tôi không đồng ý thì người vay trở mặt nói “vay hồi nào, bằng chứng đâu mà bắt trả nợ”. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc cho vay tiền bằng miệng? Việc cho vay này có đòi lại được không?

Giải đáp pháp lý: ??

Cho vay tiền giao kết bằng miệng có đòi lại được không
Hình ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Pháp luật hiện hành không có quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay tài sản, các bên hoàn toàn được phép giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do đó, việc cho vay tiền chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý, ràng buộc các bên thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật. Cụ thể bên vay tiền phải trả đủ tiền gốc và lãi (nếu có) khi đến hạn (đối với thỏa thuận vay có kỳ hạn) hoặc khi bên cho vay yêu cầu (đối với thỏa thuận vay không kỳ hạn).

Trường hợp bên vay không trả tiền thì bên cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú, làm việc để yêu cầu người đó thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền.

Trên thực tế có nhiều trường hợp bên vay trở mặt và cho rằng mình không vay tiền nên bên cho vay phải có nghĩa vụ chứng minh có giao dịch vay tiền xảy ra. Việc chứng minh có thể thông qua file ghi âm, ghi hình khi xác lập giao dịch hoặc bên vay xác nhận mình đã vay; tin nhắn trao đổi qua lại, hứa hẹn về việc vay tiền, lời làm chứng của những người chứng kiến giao dịch vay tiền, sao kê tài khoản ngân hàng nếu chuyển tiền thông qua ngân hàng…

Tóm lại, việc cho vay tiền giao kết bằng miệng vẫn được pháp luật bảo hộ và bên cho vay có quyền thực hiện các biện pháp hợp pháp để yêu cầu bên vay trả tiền. Tuy nhiên, việc vay tiền giao kết bằng miệng gắn liền với những rủi ro nhất định bởi nhiều trường hợp “lời nói gió bay”, do đó quý khách hàng cũng nên cân nhắc, thận trọng khi lựa chọn hình thức giao dịch vay tiền để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mình.

Trên đây là chia sẻ của Helloluatsu về Cho vay tiền giao kết bằng miệng có đòi lại được không? Nếu còn những vướng mắc hay cần tư vấn chi tiết xin liên hệ Hotline: 0935 13 13 13 hoặc dịch vụ luật sư để được tư vấn MIỄN PHÍ.

Trân trọng!

>> Cho vay tiền nhưng hết thời hiệu khởi kiện có đòi lại được không?

>> Giấy vay tiền không ghi thời hạn trả nợ – Ai có lợi?

Leave a Comment