Tầm quan trọng của việc xác minh nguồn gốc đất trong vụ án tranh chấp đất đai

Hiện nay, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện tại TAND các cấp liên quan đến lĩnh vực đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng, kéo theo đó là thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai rất phức tạp. Trong các vụ án tranh chấp đất đai, đặc biệt tranh chấp quyền sử dụng đất có nguồn gốc lâu đời thì việc xác minh chính xác, đúng pháp luật nguồn gốc đất có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo việc giải quyết vụ án chính xác. Điều này đòi hỏi các cơ quan chuyên môn cũng như cơ quan, người tiến hành tố tụng phải thận trọng, công tâm và chính xác.

Để xác minh nguồn gốc đất một cách chính xác, đúng pháp luật cần căn cứ vào nguồn gốc tạo lập, quá trình sử dụng và hiện trạng của đất. Cụ thể:

Nguồn gốc tạo lập đất căn cứ vào:

– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước qua các thời kỳ.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước 15/10/1993.

– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.

– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993.

– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.

– Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

– Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 15/10/1993 quy định tại Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:

– Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18/12/1980.

– Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10/11/1980 bao gồm: Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã; Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp; Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất.

– Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư.

– Giấy tờ của nông, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông, lâm trường để làm nhà ở.

– Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây  dựng, sửa chữa nhà ở, công trình.

– Giấy tờ tạm giao đất của UBND các cấp.

– Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí cho cán bố, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà.

Quá trình sử dụng đất: 

Có quá trình sử dụng đất ổn định. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:

– Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất.

– Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dụng công trình gắn liền với đất.

– Quyết định hoặc Bản án của TAND đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất.

– Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành, biên bản hòa giải tranh chấp đất.

– Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền.

– Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn; chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh, giờ tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký.

– Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được nhà nước giao quản lý, sử dụng đất.

– Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan.

– Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ.

– Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

(Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP)

Hiện trạng sử dụng đất: 

Xác định chính xác vị trí, kích thước, hình dạng thửa đất tranh chấp; Tình trạng thửa đất (đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa, đã đăng ký địa chính chưa, tài sản trên đất, sửa chữa so với ban đầu,…)

Do đó, để xác minh nguồn gốc đất chính xác làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án, trước tiên UBND nơi có đất tranh chấp cần kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng thực tế, tình trạng tranh chấp đất tỉ mỉ, thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Một khi việc xác minh nguồn gốc đất trái pháp luật có thể “vẽ đường” cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng trục lợi, kéo theo đó là những hệ lụy pháp lý không lường trước được.

Leave a Comment