Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quản lý đất đai
Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quản lý đất đai là sự phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.
Hiện tại, việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai đang được phân cấp chủ yếu cho chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện. Chính quyền cấp huyện sẽ tối ưu hóa quyền hạn và trách nhiệm của mình thông qua việc phân cấp, ủy quyền cho chính quyền cấp xã để việc quản lý đất đai được sát sao và hiệu quả.
Theo Luật Đất đai hiện hành, trừ việc ban hành khung giá đất và quyết định giá đất cụ thể, UBND cấp huyện có hầu hết những thẩm quyền mà UBND cấp tỉnh được giao, từ việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư,…
Xuất phát từ việc phân cấp, ủy quyền của UBND cấp huyện, theo đó thì thẩm quyền của UBND cấp xã trong quản lý đất đai nhằm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND huyện. Cụ thể, UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như quản lý quỹ đất công ích, quản lý đất chưa sử dụng, xác định nguồn gốc đất đai và tình trạng đất đai, xử lý vi phạm hành chính, tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai, thực hiện một số công đoạn trong thủ tục hành chính về đất đai,…
Tuy nhiên phân cấp, phân quyền không có nghĩa là chia cắt quyền lực. Việc phân định thẩm quyền vẫn phải bảo đảm quản lý đất đai thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch; bảo đảm tính thông suốt; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương,…
Quyền lực luôn phải đi đôi với trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây chính là việc thực thi quản lý đất đai trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, trách nhiệm giải trình và trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vượt quá giới hạn thẩm quyền hoặc làm không hết trách nhiệm dẫn đến thiệt hại lợi ích của Nhà nước, xã hội và người dân.
Hành vi của cơ quan Nhà nước gây thiệt hại cho người dân một cách trái luật, thì trước tiên cơ quan, cá nhân vi phạm phải tự chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật, vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Ngoài ra, chính quyền cấp nào có thẩm quyền thực hiện phải bồi thường thiệt hại cho người dân, kể cả khi nhiệm vụ đã được phân cấp hoặc uỷ uyền cho cấp dưới thực hiện. Mọi hoạt động trong quản lý đất đai mà không thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không tự kiểm tra, giám sát, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau sẽ khiến người dân mất đi niềm tin vào cơ quan công quyền, gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của người dân và những hệ lụy xấu cho xã hội.