Không tố giác tội phạm là người thân có bị xử lý hình sự không

Không tố giác tội phạm là “người thân” có thể bị xử lý hình sự

Luật sư tư vấn hình sự

Nhiều người thường lầm tưởng việc không tố giác tội phạm là “người thân” của mình sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vậy pháp luật hiện hành có quy định như thế nào? Để giải quyết vướng mắc trên cũng như giúp mọi người tránh khỏi những phiền toái không đáng có thì helloluatsu sẽ có những tư vấn về chủ đề này dưới đây.

Theo Điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) có quy định:

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm là “người thân”

Không tố giác tội phạm là người thân có thể bị xử lý hình sự
Hình ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo quy định của BLHS thì không tố giác tội phạm là trường hợp một người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác cho cơ quan có thẩm quyền, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 BLHS. Mức hình phạt cao nhất đối với hành vi không tố giác tội phạm có thể lên đến 03 năm tù.

Trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật loại trừ trách nhiệm hình sự cho người không tố giác tội phạm, trong đó có trường hợp không tố giác tội phạm mà người phạm tội là “người thân” của mình, cụ thể: Người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia (thuộc Chương XIII BLHS) hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, người không tố giác tội phạm được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS khi người đó là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội; còn các trường hợp khác như cô, cậu, chú, dì,… của người phạm tội mà không tố giác tội phạm thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên cần lưu ý việc loại trừ trách nhiệm hình sự trên không áp dụng trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là kể cả ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội mà biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện và tội phạm đó nằm trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia (Tội bạo loạn, Tội phá rối an ninh,…) hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Tội giết người theo khoản 1 Điều 123, Tội hiếp dâm theo khoản 3 Điều 141 BLHS,…) thì vẫn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 390 BLHS.

Quy định như trên là phù hợp bởi lẽ nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia có tính chất nguy hiểm cao, xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội, chế độ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xâm hại sự tồn tại, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Còn các tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì mức nguy hiểm của chúng cho xã hội là rất lớn. Do đó nghĩa vụ tố giác tội phạm thuộc về tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai.

Trên đây là chia sẻ của Helloluatsu về Không tố giác tội phạm là “người thân” có thể bị xử lý hình sự. Nếu còn những vướng mắc hay cần tư vấn chi tiết xin liên hệ Hotline: 0935 13 13 13 hoặc dịch vụ luật sư để được tư vấn MIỄN PHÍ.

>> Tư vấn về tội đánh bạc

>> Tư vấn về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Leave a Comment