Xử lý khi vi phạm hợp đồng đặt cọc

Xử lý khi vi phạm Hợp đồng đặt cọc

Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và chủ yếu được các bên trong quan hệ dân sự áp dụng khi mua bán, chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn, ví dụ như nhà cửa, đất đai,… nhằm hạn chế tình huống rủi ro trong tương lai.

Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 328 định nghĩa về biện pháp đặt cọc như sau:

Đặt cọc là việc một bên (gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Có thể thấy tài sản đặt cọc rất đa dạng, không chỉ giới hạn là tiền mà còn có thể là kim khí quý (vàng, bạc, bạch kim…), đá quý (kim cương, ruby, saphia…) hoặc các vật có giá trị khác (xe, đồng hồ, điện thoại…).

Xử lý khi vi phạm Hợp đồng đặt cọc
Hình ảnh minh họa

Việc đặt cọc nhằm mục đích bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng nên khi hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Cần lưu ý, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Còn ngược lại nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, thực tiễn thì muôn hình vạn trạng, bên nhận đặt cọc không thực hiện đúng cam kết như trong Hợp đồng đặt cọc vì nhiều lý do khác nhau, dẫn đến tranh chấp. Lúc này cần phải xem xét, đánh giá việc bên nhận đặt cọc không thực hiện đúng cam kết là hoàn toàn vì lý do khách quan (ví dụ như do lỗi của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, do thiên tai, dịch bệnh,…) hay do lỗi chủ quan của người nhận đặt cọc, từ đó yêu cầu bên nhận đặt cọc chỉ phải trả lại tài sản đặt cọc, nếu do khách quan, hay phải trả thêm một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc (còn gọi là tiền phạt cọc), nếu do lỗi của bên nhận đặt cọc.

Đường lối xử lý này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khái quát thông qua Án lệ số 25/2018/AL, cụ thể khi xác định được việc bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng cam kết trong Hợp đồng đặt cọc là do khách quan thì bên nhận đặt cọc chỉ phải trả lại tài sản đặt cọc mà không phải chịu phạt cọc.

Trên đây là chia sẻ của Helloluatsu về Xử lý khi vi phạm Hợp đồng đặt cọc. Nếu còn những vướng mắc hay cần tư vấn chi tiết xin liên hệ Hotline: 0935 13 13 13 hoặc dịch vụ luật sư để được tư vấn MIỄN PHÍ.

>> Có được niêm phong, giữ tài sản do trễ hạn đóng tiền thuê?

>> Dịch Covid-19 có được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong thực hiện hợp đồng

Leave a Comment