Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm – Hiểu và vận dụng
Trong Tố tụng dân sự, tái thẩm được xem là một thủ tục tố tụng đặc biệt để xem xét lại Bản án, Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị bởi người có thẩm quyền. Bản chất của tái thẩm chính là xét lại Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của Bản án, Quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra Bản án, Quyết định đó. Pháp luật quy định rất rõ về các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Hãy cùng chúng tôi phân tích những căn cứ đó để hiểu và vận dụng.
Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Nguồn: Internet
Thứ nhất, Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.
Đây có lẽ là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thường gặp nhất trong các vụ án dân sự và có nhiều quan điểm trái chiều trong thực tiễn xét xử. Theo đó thì tình tiết mới phát hiện phải là tình tiết đã có trong quá trình giải quyết vụ án, từ lúc Tòa án thụ lý đến khi ban hành Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên đương sự đã không biết được vì nhiều lý do khác nhau. Ví dụ như vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế”, quá trình giải quyết vụ án đương sự đã không biết được người để lại di sản thừa kế có để lại di chúc, lý do di chúc do người khác đang giữ nhưng các đương sự không biết nên đã chia thừa kế theo pháp luật, sau khi Bản án đã có hiệu lực pháp luật thì mới phát hiện ra có di chúc nên yêu cầu kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Những tình tiết mới phát hiện nhưng có sau khi Tòa án giải quyết vụ án thì không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Đối với trường hợp này thì đương sự chỉ có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác để xem xét đối với tình tiết mới đó.
Tình tiết mới phải quan trọng, tức là tình tiết đó phải liên quan đến vụ án và làm thay đổi bản chất của vụ án, khiến cho Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật không có căn cứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó mà trên thực tế có không ít những trường hợp phát hiện được tình tiết mới nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án thì không phải là căn cứ kháng nghị. Do đó mà đối với mỗi vụ án, người có thẩm quyền kháng nghị cần xem xét một cách thận trọng có hay không mối quan hệ nhân quả giữa tình tiết mới với quyết định của Tòa án để tránh oan, sai cũng như tránh mất thời gian, đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng pháp luật.
Cần lưu ý đối với những tình tiết đã có trong hồ sơ vụ án, tuy nhiên vì lý do Tòa án không xem xét, đánh giá kỹ lưỡng nên không phát hiện được, hoặc do Tòa án đánh giá sai, năng lực yếu dẫn đến không yêu cầu đương sự cung cấp tình tiết đó thì không được xem là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Lúc này đây vụ án có thể được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tùy theo tính chất của từng vụ việc mà căn cứ kháng nghị là khác nhau, cụ thể như:
- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
Thứ hai, Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ.
Trong vụ án dân sự, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch là nguồn chứng cứ, có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp Tòa án xác định sự thật khách quan của vụ án, giải quyết một cách hợp tình, hợp lý. Do đó mà khi có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ sẽ là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Lưu ý Bộ luật Tố tụng dân sự đã bao gồm cả trường hợp kết luận giám định, lời dịch không đúng sự thật, tức là do yếu tố khách quan như năng lực kém, bỏ sót tài liệu,… và có giả mạo chứng cứ, tức là do ý chí chủ quan của người giám định, người phiên dịch, lúc này ngoài việc xem xét theo thủ tục tái thẩm thì tùy vào tính chất, hành vi mà người giám định, người phiên dịch có thể còn bị khởi tố hình sự như Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; Tội nhận hối lộ,…
Đối với căn cứ kháng nghị này cũng cần xem xét đến mối quan hệ nhân quả với quyết định của Tòa án, trường hợp kết luận giám định, lời dịch có một phần nội dung không đúng sự thật nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án, đến quyết định của Tòa án thì không phải là căn cứ kháng nghị.
Ví dụ trong vụ án dân sự về Tranh chấp hợp đồng vay tài sản, Tòa án đã ra quyết định trưng cầu giám định chữ ký và chữ viết của bên vay trong Giấy vay tiền nhưng người giám định đã giám định sai dẫn đến quyết định của Tòa án không đúng sự thật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho bên cho vay. Sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, bên cho vay có cơ sở xác định Kết luận giám định không đúng sự thật nên có quyền thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Thứ ba, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.
Trên thực tế, căn cứ này khó có thể thực hiện bởi hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật chỉ bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nếu hành vi này được thực hiện bởi những chủ thể là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và hành vi này không dễ dàng chứng minh được, cũng như là người có thẩm quyền kháng nghị e dè, chịu những tác động khách quan nên không thực hiện đúng thẩm quyền của mình. Thực tiễn xét xử có ghi nhận trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên sau khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật thì sau đó mới có việc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án dân sự do các chủ thể đó thực hiện.
Thứ tư, Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
Pháp luật đã có quy định cũng như thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp khi mà một sự kiện pháp lý đã được xác định trong Bản án, Quyết định của Tòa án trong một vụ việc khác hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án mà không cần xác định lại. Điều này giúp tránh mất thời gian lãng phí cũng như tiết kiệm công sức cho các cá nhân, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên nếu việc xác định trước đó sai lầm dẫn đến Bản án, Quyết định mà Tòa án dựa vào đó để giải quyết đã bị hủy bỏ thì đây là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Rõ ràng, pháp luật đã quy định rõ các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, tuy nhiên thực tiễn xét xử lại “muôn hình vạn trạng” và trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị không kháng nghị khi có căn cứ tại Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, có trường hợp có căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nhưng người có thẩm quyền lại kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm,… Do đó đòi hỏi người có thẩm quyền kháng nghị phải không ngừng nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện đúng thẩm quyền của mình một cách hiệu quả, chất lượng, giải quyết vấn đề oan, sai trong các vụ án dân sự. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng cần hiểu đúng để vận dụng, thực hiện có hiệu quả quyền yêu cầu, kiến nghị của mình, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.