Cơ quan nào có thẩm quyền thành lập TAND và VKSND thành phố Thủ Đức?

Vào những ngày đầu năm mới – năm 2021, Việt Nam lần đầu tiên chào đón một thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương – Thành phố Thủ Đức. Có thể thấy với kiểu đơn vị hành chính này đã được luật hóa trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, tuy nhiên việc hiện thực hóa mô hình “thành phố trong thành phố” như thế này thì sẽ là tiền lệ đầu tiên ở Việt Nam.

Kể từ ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, trên cơ sở sát nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 03 quận là Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức sẽ “có được” một thành phố Thủ Đức với 211,56 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.

Cùng với việc thiết lập, tổ chức sắp xếp bộ máy hành chính thì công tác giải thể và thành lập cơ quan xét xử – Tòa án nhân dân (TAND) và cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp – Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân. Theo đó thì liệu cơ quan nào có thẩm quyền thành lập TAND và VKSND thành phố Thủ Đức?

Thành phố Thủ Đức được thành lập dựa trên sát nhập 03 quận (Nguồn: Hà Nội Mới)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014Điều 49 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập “TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao” và “VKSND cấp huyện theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao”. Như vậy, việc thành lập TAND và VKSND thành phố Thủ Đức do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập trên cơ sở những đóng góp, ý kiến của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.

Cũng theo quyết nghị mới của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14, TAND thành phố Thủ Đức sẽ bao gồm 05 tòa chuyên trách, cụ thể: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính và Tòa Kinh tế. Với mô hình này thì cơ cấu, tổ chức của TAND thành phố Thủ Đức tương đương với TAND Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này là phù hợp với quy mô cũng như thúc đẩy hoạt động tư pháp của thành phố Thủ Đức đạt được hiệu quả.

Để thành lập TAND và VKSND thành phố Thủ Đức thì đương nhiên cần thiết giải thể TAND và VKSND các quận 2, 9, Thủ Đức, theo đó thì việc giải thể các TAND và VKSND này cũng do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Sau khi giải thể TAND và VKSND các quận 2, 9, Thủ Đức, TAND và VKSND thành phố Thủ Đức sẽ kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp trên để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước,…

Với những quyết nghị mới của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một thành phố Thủ Đức với diện mạo mới, thách thức mới và thành công mới.

Leave a Comment