Thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính

Coi chừng mất quyền khởi kiện do hết thời hiệu

Liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, đặc biệt lĩnh vực đất đai, khi người dân không đồng ý với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai thì tranh chấp thường kéo dài. Đôi khi người dân không chú ý đến thời hiệu khởi kiện dẫn đến khi tranh chấp đã lên đến đỉnh điểm, cần phải có Tòa án giải quyết thì thời hạn khởi kiện đã kết thúc và mất quyền khởi kiện vụ án hành chính.

Thời hiệu khởi kiện là gì?

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính

Coi chừng mất quyền khởi kiện do hết thời hiệu
Hình ảnh minh họa

Theo quy định tại Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Để xác định thời điểm nhận được quyết định hành chính có thể thông qua nhiều phương thức khác nhau như nhận qua đường bưu điện, giao nhận trực tiếp, nhận thông qua cá nhân, chính quyền địa phương,… Trường hợp không nhận được thì cũng có thể được tính từ thời điểm biết được có quyết định hành chính đó, như: Số; ngày, tháng, năm; cơ quan, người ban hành; nội dung quyết định.

Đối với hành vi hành chính thì là thời điểm xác định được cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được tính như sau:

  • 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
  • 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Lưu ý: Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Thời hạn giải quyết khiếu nại theo Luật khiếu nại

Căn cứ Điều 28, Điều 37 Luật khiếu nại năm 2011:

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Nếu người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu thì có thể khiếu nại lần hai, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục thụ lý và giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định của Luật khiếu nại.

Theo đó, thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Trên đây là chia sẻ của Helloluatsu về Thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính. Nếu còn những vướng mắc hay cần tư vấn chi tiết xin liên hệ Hotline : 0935 13 13 13 hoặc dịch vụ luật sư để được tư vấn MIỄN PHÍ.

Leave a Comment