Ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu - Tổng đài 111 và sự chung tay của toàn xã hội

Ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu – Tổng đài 111 và sự chung tay của toàn xã hội

Trong một thời gian ngắn vừa qua, cả xã hội bàng hoàng và hết sức đau lòng bởi các vụ án có dấu hiệu hành hạ, giết người có dự mưu với thủ đoạn hết sức tàn độc mà nạn nhân lại chính là con – là người cùng sinh sống dưới một mái nhà với kẻ thủ ác. Đây có lẽ là bề nổi của tảng băng trôi khi những vụ án chỉ bị phát hiện khi hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra (nạn nhân chết, nhập viện,…). Còn biết bao số phận con trẻ trên đất nước Việt Nam đã và đang bị chính những bậc làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà ngược đãi hoặc hành hạ nhưng chưa bị phát hiện và xử lý.

Hiểu đúng về tội ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu

Căn cứ Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

– Khách thể mà tội phạm này xâm hại đó chính là quan hệ gia đình, là quyền và nghĩa vụ giữa những người thân trong gia đình; xâm hại đến thân thể, tinh thần của con, cháu.

Đối tượng tác động ở đây bao gồm: Con (con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, con riêng của vợ hoặc chồng chưa thành niên đang sống chung với bố dượng hoặc mẹ kế); Cháu (cháu nội, cháu ngoại, cháu nuôi).

– Chủ thể của tội này là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời họ phải là cha, mẹ hoặc ông, bà của nạn nhân (con, cháu).

– Mặt khách quan của tội này bao gồm hành vi ngược đãi và hành vi hành hạ con, cháu. Người phạm tội có thể thực hiện đồng thời cả hai hành vi hoặc một trong hai hành vi vẫn bị xử lý hình sự.

Hành vi ngược đãi có thể hiểu là đối xử tồi tệ, trái với đạo đức xã hội về ăn, mặc, ở, sinh hoạt đối với con, cháu như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, mắng chửi, dọa nạt con, cháu,…

Hành vi hành hạ có thể hiểu là sử dụng bạo lực như đánh đập, hoặc có hành vi tác động xấu lên thân thể của con, cháu như bắt làm các công việc nặng nhọc quá sức đối với con, cháu,… Hành vi hành hạ có thể gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của con, cháu nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Hành vi ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi rơi vào một trong các trường hợp dưới đây:

  • Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

– Mặt chủ quan của tội này là tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, hoàn toàn nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra. Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Mức xử phạt cho hành vi ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp con, cháu là người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai hoặc người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Đường dây nóng bảo vệ trẻ em quốc gia 111

Ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu - Tổng đài 111 và sự chung tay của toàn xã hội
Hình ảnh minh hoạ

Để không còn tình trạng trẻ em bị ngược đãi hoặc hành hạ thì trách nhiệm đặt ra là cho toàn xã hội, từ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, giám sát chặt chẽ để kịp thời xử lý của các cơ quan đoàn thể, dạy trẻ em cách tự vệ,… Đặc biệt, một biện pháp mang tính cấp bách là mỗi một người dân khi phát hiện dấu hiệu trẻ em bị ngược đãi hoặc hành hạ cần nhanh chóng thông báo đến đường dây nóng bảo vệ trẻ em quốc gia 111 hoặc báo ngay cho cơ quan chức năng. Chỉ cần “chậm tay”, trẻ có thể nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là đánh đổi bằng tính mạng của trẻ.

Trên đây là chia sẻ của Helloluatsu về Tội ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu. Nếu còn những vướng mắc hay cần tư vấn chi tiết xin liên hệ Hotline: 0935 13 13 13 hoặc dịch vụ luật sư để được tư vấn MIỄN PHÍ.

>> Điều kiện để người dưới 18 tuổi có thể được tha tù trước thời hạn

>> Không tố giác tội phạm là “người thân” có thể bị xử lý hình sự

Leave a Comment