Người được uỷ quyền có được phép uỷ quyền lại cho người khác

Người được uỷ quyền có được phép uỷ quyền lại cho người khác?

Vấn đề uỷ quyền có lẽ không còn quá xa lạ đối với chúng ta, khi mà cá nhân, cơ quan, tổ chức khi không thể tự mình thực hiện được một số hoạt động, công việc, giao dịch dân sự,… trong đời sống xã hội thì thường có xu hướng uỷ quyền cho phép một bên khác có quyền quyết định, thực hiện thay họ (trừ trường hợp không được uỷ quyền). Một số trường hợp uỷ quyền thường thấy như: Chủ sử dụng đất uỷ quyền cho một người khác tham gia đàm phán, giao kết hợp đồng đặt cọc và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Người đại diện theo pháp luật của Công ty uỷ quyền cho nhân viên liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề tài chính, thuế, bảo hiểm của Công ty; Người bị lấn, chiếm đất uỷ quyền cho luật sư tham gia tố tụng tại Toà án để đòi lại công bằng, lẽ phải;…

Vấn đề ủy quyền đã được minh thị từ Điều 562 đến Điều 569 trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Người được uỷ quyền có được phép uỷ quyền lại cho người khác
Hình ảnh minh hoạ

Uỷ quyền lại là bên được ủy quyền tiếp tục ủy quyền cho bên thứ ba thay mặt mình thực hiện công việc đã được ủy quyền. Do đó, việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu (Ví dụ như A uỷ quyền cho B đàm phán, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất H, do B không thể thực hiện được công việc theo uỷ quyền nên đã uỷ quyền lại cho C, tuy nhiên khi uỷ quyền lại cho C thì B không thể tự ý thêm công việc như C có quyền đàm phán, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất H và thửa đất P liền kề).

Căn cứ Điều 564 Bộ luật dân sự năm 2015, bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho người khác khi thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

  • Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
  • Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

Căn cứ khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Ví dụ như A uỷ quyền cho B ngày 26/02/2022 đến Công ty A đang làm việc để nhận tiền hỗ trợ và mang đến bệnh viện đóng viện phí cho A cùng ngày. Tuy nhiên, ngày 26/02/2022 nơi B ở bị cách ly khiến B không thể đi ra ngoài nên B đã uỷ quyền lại cho C đến Công ty A đang làm việc nhận tiền và mang đến bệnh viện đóng viện phí cho A kịp thời điều trị bệnh.

Lưu ý, hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu. Ví dụ như hình thức của hợp đồng uỷ quyền ban đầu được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực thì hình thức hợp đồng uỷ quyền lại cũng phải được thực hiện theo hình thức lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.

Trên đây là chia sẻ của Helloluatsu về Người được uỷ quyền có được phép uỷ quyền lại cho người khác? Nếu còn những vướng mắc hay cần tư vấn chi tiết xin liên hệ Hotline: 0935 13 13 13 hoặc dịch vụ luật sư để được tư vấn MIỄN PHÍ.

>> Đang ở nước ngoài có được ủy quyền cho người khác chuyển nhượng nhà, đất?

Leave a Comment