Cách xử lý "Sổ đỏ" khi cấp đổi CMND sang CCCD

Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự

Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự đã được luật hóa và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình giải quyết vụ án. Việc hiểu rõ quy định pháp luật để tận dụng quyền yêu cầu phản tố giúp bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn.

Yêu cầu phản tố hiểu nôm na là việc bị đơn kiện ngược trở lại đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ được chấp nhận khi:

  • Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

Tham khảo ví dụ tại Nghị quyết số 05/2012/NQ – HĐTPTANDTC như sau: Nguyên đơn A có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn B phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2005 là năm triệu đồng. Bị đơn B có yêu cầu đòi nguyên đơn A phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là ba triệu đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A.

  • Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

Tham khảo ví dụ tại Nghị quyết số 05/2012/NQ – HĐTPTANDTC như sau: A có chiếc xe ô tô thuộc sở hữu riêng đã bán cho C, nhưng nói với con (B là con của A) là cho C thuê mỗi tháng năm triệu đồng. Sau đó A chết, B khởi kiện yêu cầu C phải thanh toán tiền thuê xe trong một năm qua là sáu mươi triệu đồng. C có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu xe ô tô và có tranh chấp. Nếu Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của C, thì dẫn đến không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của B đòi C thanh toán tiền thuê xe ô tô.

  • Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Tham khảo ví dụ tại Nghị quyết số 05/2012/NQ – HĐTPTANDTC như sau: Chị M khởi kiện yêu cầu anh N phải trợ cấp nuôi con P một tháng ba trăm ngàn đồng. Anh N có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án xác định P không phải là con của anh.

Trình tự, thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể bị đơn phải cung cấp Đơn yêu cầu phản tố, thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí theo luật định, cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu phản tố của mình…

Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự
Hình ảnh minh họa

Vấn đề khiến nhiều người băn khoăn liệu đối với yêu cầu phản tố thì có áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện hay không. Để giải đáp những thắc mắc này, vừa qua Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua Án lệ số 44/2021/AL, theo đó: “…yêu cầu phản tố là yêu cầu không nằm trong yêu cầu của nguyên đơn, có thể được giải quyết bằng một vụ án độc lập; việc giải quyết yêu cầu phản tố trong cùng vụ án là để kết quả giải quyết chính xác và nhanh hơn. Yêu cầu phản tố cũng chính là yêu cầu khởi kiện nên phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện…”. Đây cũng là điều mà bị đơn cần lưu ý để tránh bị mất quyền của mình.

Ngoài ra, bị đơn cần lưu ý đặc biệt đến thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố, bởi lẽ bị đơn chỉ được đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Trên đây là chia sẻ của Helloluatsu về Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự. Nếu còn những vướng mắc hay cần tư vấn chi tiết xin liên hệ Hotline: 0935 13 13 13 hoặc dịch vụ luật sư để được tư vấn MIỄN PHÍ.

Leave a Comment