Tặng cho tài sản “kèm theo” điều kiện có được không?
Thỏa thuận tặng cho tài sản có điều kiện là một loại giao dịch dân sự khá phổ biến, thường gặp như: cha mẹ tặng cho con tài sản với điều kiện con phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đến cuối đời; anh, chị tặng cho em tài sản với điều kiện người em phải thực hiện việc thờ cúng ông bà, tổ tiên,… Vậy pháp luật có quy định như thế nào về loại giao dịch này?
Căn cứ Điều 462 Bộ luật dân sự năm 2015 thì tặng cho tài sản có điều kiện được hiểu là bên tặng cho yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho tài sản.
Pháp luật quy định điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Bàn về “điều kiện” trong hợp đồng tặng cho thì Án lệ số 14/2017/AL đã đóng góp rất lớn trong thực tiễn xét xử khi thừa nhận các điều kiện sau đây của người tặng cho: xây nhà cho người tặng cho ở, chăm sóc người tặng cho và chăm sóc cha mẹ của người tặng cho. Như vậy, điều kiện tặng cho ở đây tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên và miễn là phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội thì cần được ghi nhận.
Ngoài ra, Án lệ số 14/2017/AL cũng đã giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn xét xử trước đó, cụ thể là điều kiện tặng cho có thể được thể hiện luôn trong hợp đồng tặng cho hoặc tuy không được ghi nhận trong hợp đồng tặng cho mà chỉ thỏa thuận bằng lời nói, hành vi,… thì cũng cần được công nhận nếu có thể kiểm chứng được.
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
Ngược lại, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trên đây là chia sẻ của Helloluatsu về Tặng cho tài sản có điều kiện. Nếu còn những vướng mắc hay cần tư vấn chi tiết xin liên hệ Hotline: 0935 13 13 13 hoặc dịch vụ luật sư để được tư vấn MIỄN PHÍ.
>> Bảo vệ bên thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự bị tuyên vô hiệu
>> Hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bảo đảm – Hiểu và vận dụng