Thời gian bắt buộc chữa bệnh có được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Theo pháp luật hiện hành thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào loại tội phạm mà người phạm tội thực hiện là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng mà thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là khác nhau, cụ thể như sau:

  • 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
  • 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
  • 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
  • 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện, ngoại trừ rơi vào trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 27 BLHS.

Chế định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được đặt ra một mặt nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật. Mặt khác, chế định này còn thể hiện sự nhân đạo của pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội sửa chữa sai lầm, hướng thiện, bởi lẽ sau một thời gian nhất định, nếu người phạm tội đã hướng thiện và chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật thì hành vi của họ không còn nguy hiểm cho xã hội, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ là không thực sự cần thiết.

Còng Tay, Màu Đen, Hình Sự, Bắt Giữ, Bondage, Tội Phạm

Hình mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, trong thực tiễn việc áp dụng quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đôi khi còn lúng túng và có nhiều quan điểm trái chiều nhau, cụ thể như vấn đề thời gian bắt buộc chữa bệnh có được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Đặt giả thiết cụ thể như sau: Một người thực hiện tội phạm không thuộc một trong các tội được quy định tại Điều 28 BLHS, khi thực hiện hành vi phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, bị cáo lại bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Do đó, căn cứ vào Kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra Quyết định đưa bị cáo vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh và ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án. Sau một thời gian chữa bệnh bắt buộc, bị cáo khỏi bệnh, khôi phục lại khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình, Tòa án sẽ ra Quyết định đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Lúc này vấn đề được đặt ra là liệu thời gian bị cáo bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh có được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Một số quan điểm cho rằng thời gian bắt buộc chữa bệnh không được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi lẽ biện pháp bắt buộc chữa bệnh là một trong những biện pháp tư pháp được Tòa án đặt ra nhằm hỗ trợ hoặc thay thế cho cho hình phạt, đây cũng là biện pháp cưỡng chế hình sự, do đó không xem xét quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này nữa. Đồng thời những người theo quan điểm này cho rằng Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ tức là hoạt động tố tụng chưa dừng hẳn, do đó không thể khấu trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được. Như vậy khi có Quyết định đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án và nếu không rơi vào các trường hợp đình chỉ vụ án thì Tòa án phải ra Quyết định phục hồi vụ án.

Tuy nhiên đa số hiện nay đều theo quan điểm thời gian bắt buộc chữa bệnh được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, đây cũng là quan điểm của tác giả. Bởi lẽ theo quy định tại Điều 27 Điều 28 BLHS quy định về Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không có trường hợp bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc tạm đình chỉ vụ án. Do đó trên tinh thần nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS), theo đó thì những gì pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ ràng thì cần áp dụng theo hướng có lợi cho người phạm tội. Đồng thời thì tạm đình chỉ vụ án do bị cáo bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong trường hợp này cần được xem là hoạt động tố tụng đã tạm dừng, do đó thời gian bắt buộc chữa bệnh nhằm khắc phục lý do tạm đình chỉ cần được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra có thể thấy việc bị cáo bị bắt buộc chữa bệnh không xuất phát từ ý chí chủ quan của bị cáo như đối với trường hợp bị cáo cố tình trốn tránh và đã có Quyết định truy nã (Bị cáo cố tình trốn tránh và đã có Quyết định truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ), do đó cần thiết áp dụng quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong cả thời gian bị cáo bắt buộc chữa bệnh.

Lúc này, Tòa án sẽ xác định nếu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn (tính từ ngày tội phạm được thực hiện) thì ra Quyết định phục hồi vụ án để tiến hành xét xử, còn nếu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết thì cần ra Quyết định đình chỉ vụ án để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo và đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng đắn, hợp tình, hợp lý.

Leave a Comment