Thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm của Toà án nhân dân cấp cao trong Tố tụng dân sự

Quy định về sự ra đời, nhiệm vụ và quyền hạn của Toà án nhân dân cấp cao là điểm mới của Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014, nhằm khắc phục được những hạn chế về thẩm quyền xét xử của hệ thống toà án theo Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2002. Cụ thể khắc phục được tình trạng các Tòa án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp, thậm chí Tòa án nhân dân cấp tỉnh vừa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, vừa giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, dẫn đến tình trạng chồng lấn về hoạt động, vai trò, vị trí của mỗi cấp Tòa án trong hệ thống Tòa án, phán quyết không đảm bảo tính khách quan; Khắc phục được tình trạng Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm chính các bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của chính mình…; Bước đầu khắc phục được việc trong hệ thống Tòa án có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm (gồm 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 5 Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) khiến cho việc áp dụng pháp luật và xác định đường lối xét xử chung của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm bị hạn chế.

Sự ra đời của Toà án nhân dân cấp cao với thẩm quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã có hiệu pháp luật khiến cho các đương sự lầm tưởng rằng Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án nhân dân cấp cao là phán quyết mang tính chung thẩm, các đương sự bắt buộc phải tuân theo mà không có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét xử cao hơn xem xét.

Về nguyên tắc tổ chức của hệ thống cơ quan xét xử, Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất. Đồng nghĩa, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị. Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Toà án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật và bị kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Như vậy, Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm của Toà án nhân dân cấp cao bị kháng nghị.

Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Nguồn: Internet

Chế định giám đốc thẩm được xem như là một phương thức kiểm soát của Tòa án cấp trên đối với hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án cấp dưới trong việc giải quyết các vụ việc, điều này giúp cho đội ngũ làm công tác xét xử kịp thời sửa chữa sai lầm. Do đó mà khi đương sự không đồng ý với Quyết định giám đốc thẩm của Toà án nhân dân cấp cao, đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản yêu cầu xem xét lại quyết định này theo thủ tục giám đốc thẩm, đương sự có quyền gửi văn bản yêu cầu đến:

  • Người có thẩm quyền kháng nghị là Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để kháng nghị xem xét lại quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm.
  • Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm (như Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Toà án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao,…).

Đương sự lưu ý trong quá trình thực hiện quyền của mình cần phân biệt giữa chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm với chủ thể có quyền đề nghị thông báo, kiến nghị việc xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự  2015 để tránh những nhầm lẫn không đáng có.

Kèm theo đơn yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, đương sự phải gửi Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao và các tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cụ thể, người có thẩm quyền ban hành Quyết định kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm của Toà án nhân dân cấp cao khi có một trong các căn cứ tại khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

  • Kết luận trong quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
  • Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
  • Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Ngoài ra, các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giám đốc thẩm được quy định rất chi tiết tại Chương XX, từ Điều 325 đến Điều 350 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Khi xem xét việc kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự hoãn thi hành án (Khoản 2 Điều 48 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014). Thời hạn hoãn thi hành án trong trường hợp này không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.

Việc hoãn thi hành án trong thời gian người có thẩm quyền kháng nghị xem xét để quyết định kháng nghị hay không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là rất cần thiết, vì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu có sai lầm, vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng nếu đưa ra thi hành sẽ dẫn tới hậu quả khó lường, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, quyền và lợi ích của người thứ ba. Việc hoãn thi hành bản án, quyết định giúp tránh hậu quả không thể khắc phục được, trường hợp không hoãn thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án. Cần lưu ý việc hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị không phụ thuộc vào ý chí của người phải thi hành án nên họ không phải chịu lãi suất phát sinh do chậm thi hành án. Đồng thời, tại thời điểm thỏa thuận hoãn thi hành án, người phải thi hành án không thể biết được trường hợp thi hành án của họ có được hoãn thi hành án theo khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự để xem xét thỏa thuận với người được thi hành án về việc chịu lãi suất phát sinh do chậm thi hành án. Do vậy, trong văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đương sự nên gửi kèm yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để tránh thiệt hại về sau.

Leave a Comment