Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ
Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền là một trong những nguyên tắc cơ bản của Tố tụng dân sự, có vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án nhanh gọn, chính xác.
Theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát các tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó. Trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu.
Theo đó thì thời hạn để cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cung cấp là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc quy định thời hạn nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Pháp luật hiện hành cũng đặt ra chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án hoặc Viện kiểm sát mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Cung cấp tài liệu, chứng cứ trái pháp luật có thể bị xử lý hình sự
Các tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp là cơ sở quan trọng để Tòa án sử dụng làm căn cứ xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. Ví dụ như trong vụ án tranh chấp đất đai, văn bản xác minh nguồn gốc đất của UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp, kèm theo đó là cung cấp các tài liệu, chứng cứ (Sổ mục kê, Sổ bộ địa chính,…) làm cơ sở xác định ai là người có quyền sử dụng đất là căn cứ quan trọng để Tòa án ra phán quyết đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đương sự.
Việc cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trái pháp luật có thể dẫn đến hệ quả nghiêm trọng như phán quyết của Tòa án trái pháp luật, vụ án bị oan, sai, số phận của đương sự trở nên “bấp bênh” và đặc biệt xã hội mất đi tính thượng tôn pháp luật.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trái pháp luật tùy theo tính chất, mức độ hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Tội cung cấp tài liệu sai sự thật,…
Tuy nhiên thực tiễn xét xử vẫn có nhiều trường hợp Tòa án đã ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của BLTTDS để Tòa án giải quyết vụ án đúng thời hạn luật định nhưng cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc trả lời quan điểm rất chậm trễ làm cho vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.
Trong khi đó thì người tiến hành tố tụng lại không kiên quyết kiến nghị xử lý đối với hành vi chậm trễ của cơ quan, tổ chức mà lại ra Quyết định tạm định chỉ giải quyết vụ án với lý do chờ ý kiến trả lời của cơ quan, tổ chức đang giữ tài liệu, chứng cứ dẫn đến vụ án kéo dài, tốn thời gian, tiền của.